Giới thiệu Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình
Ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33, thiết lập Tòa án Quân sự, đánh dấu sự ra đời của ngành Tòa án Việt Nam.
Ninh Bình là một trong 9 tỉnh trên cả nước và là một trong 3 tỉnh của khu Bắc bộ được thành lập Tòa án Quân sự sau khi có Sắc lệnh. Ngày 13-9-1945 chính thức được coi là ngày thành lập ngành Tòa án nhân dân Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình được thiết lập trên cơ sở tách khỏi Tòa án Quân sự Quân khu. Đến năm 1947, căn cứ Sắc lệnh số 45 ngày 25-4-1947, Tòa án nhân dân Ninh Bình được thành lập, có nhiệm vụ xét xử các vụ án trị an, chính trị và những phần tử phản loạn chống lại nhân dân, chống lại chính quyền cách mạng, phục vụ nhiệm vụ của giai đoạn vừa kháng chiến vừa kiến quốc.
Năm 1957, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Ninh Bình được kiện toàn, đến năm 1959, Tòa án nhân dân ở các huyện, thị xã được thành lập, chủ yếu xét xử các vụ án hình sự, trị an. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và củng cố chính quyền nhân dân (1945-1960) mặc dù làm việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng Tòa án hai cấp đã làm việc quên mình, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Năm 1960, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức TAND, đánh dấu bước phát triển mới của ngành Tòa án nhân dân. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, Tòa án nhân dân tỉnh đã có sự trưởng thành về cơ cấu tổ chức với nhiều cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, có bản lĩnh chính trị, cơ sở vật chất cũng đã được tăng cường. Vị trí, vai trò của ngành Tòa án tỉnh không ngừng được nâng lên, thông qua các hoạt động xét xử và tuyên truyền pháp luật đã góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Năm 1976, tỉnh Hà Nam Ninh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam, cán bộ, nhân viên Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình được điều động về làm việc theo tỉnh mới đã phát huy được truyền thống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
|
Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình |
Năm 1992 tái lập tỉnh Ninh Bình, TAND tỉnh ban đầu chỉ có 30 cán bộ; cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động chuyên môn còn thiếu thốn; bên cạnh đó, việc quản lý Tòa án địa phương về tổ chức có thay đổi, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn có những khó khăn nhất định, nhưng với sự năng động, sáng tạo, cần cù học hỏi, yêu nghề, tích cực rèn luyện, phấn đấu nên đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Tòa án đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn ngành có 152 cán bộ, công chức, trong đó 95% có trình độ đại học; 12 người có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị; 4 người có trình độ cao học; 63 người được bổ nhiệm làm thẩm phán.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mỗi thời kỳ, ngành Tòa án Ninh Bình luôn làm tốt công tác bồi dưỡng, giáo dục cán bộ trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ; cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành cho đội ngũ làm công tác nghiệp vụ và hội thẩm nhân dân; phát động viết và nghiệm thu nhiều đề tài khoa học nghiên cứu về chuyên môn, nghiệp vụ; xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và đề ra kế hoạch thực hiện cụ thể.
Những năm qua, ngành Tòa án đã tổ chức xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án đối với những loại tội phạm hình sự có chiều hướng xảy ra ngày càng nhiều, nhằm tuyên truyền pháp luật đến đông đảo quần chúng nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với hoạt động của ngành Tòa án, qua đó giúp họ có ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Tòa án đã phối hợp giải quyết nhanh, dứt điểm các vụ trọng án, án điểm, tổ chức nhiều phiên tòa mẫu, kiểm tra kỹ năng điều hành phiên tòa.
Từ năm 1992 đến nay, bình quân mỗi năm ngành Tòa án tỉnh thụ lý giải quyết từ 1.200 đến 1.500 vụ án các loại, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; các tranh chấp dân sự được giải quyết đảm bảo thấu tình, đạt lý; ngành còn tiến hành hòa giải thành nhiều vụ tranh chấp có tính chất gay gắt, mâu thuẫn căng thẳng, góp phần lành mạnh hóa các quan hệ xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Đặc biệt những năm gần đây, ngành Tòa án tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt; chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án luôn đạt và vượt so với chỉ tiêu công tác của ngành đã đề ra. Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa có sự thay đổi đáng kể, người tham gia tố tụng chủ động hơn trong việc tham gia hỏi và tranh luận tại phiên tòa làm cho hoạt động xét xử giải quyết các loại án tại Tòa án dân chủ, khách quan, công minh và công bằng hơn. Từ đó góp phần nâng cao uy tín của ngành Tòa án, tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Tư pháp và Tòa án, vì vậy, hoạt động xét xử các loại án của Tòa án hai cấp ngày càng được nâng cao, hạn chế tới mức thấp nhất những sai sót trong hoạt động chuyên môn của ngành.
Thực hiện chương trình cải cách tư pháp, ngành Tòa án đã hoàn thành lộ trình tăng thẩm quyền cho các Tòa án cấp huyện, công tác xét xử các loại án tăng thẩm quyền đều đảm bảo về chất lượng và tiến độ. Hiện nay, TAND tỉnh đang tiến hành xây dựng mới trụ sở TAND huyện Kim Sơn, nơi dự kiến đặt tòa sơ thẩm khu vực theo đúng mẫu quy chuẩn của ngành... Dù làm việc trong điều kiện nào, cán bộ, nhân viên ngành Tòa án tỉnh vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết thực hiện tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các hoạt động khác do ngành, địa phương phát động. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm đúng mức.
Với những thành tích nổi bật trên các mặt hoạt động, ngành Tòa án Ninh Bình đã được tặng nhiều phần thưởng, trong đó có 2 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Đảng bộ ngành Tòa án liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Nhiều cá nhân và tập thể được công nhận là chiến sỹ thi đua cơ sở, chiến sỹ thi đua ngành và là đơn vị thi đua xuất sắc.
Có được sự tiến bộ và trưởng thành trên là do ngành Tòa án luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của TAND tối cao, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự phối hợp, tạo điều kiện của các ngành, các cấp, nhất là các ngành trong khối nội chính; sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức trong ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo khách quan, toàn diện, dứt điểm, nhạy bén, có trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân hai cấp...
Tiếp nối truyền thống của ngành Tòa án 65 năm qua, trong những năm tới, ngành TAND tỉnh phấn đấu tu dưỡng và phát huy tinh thần đoàn kết, phẩm chất đạo đức cách mạng, lập trường kiên định, vững vàng, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư"; đề cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nghiên cứu, học tập chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo áp dụng pháp luật chính xác, giải quyết các vụ án đúng người, đúng tội, thấu tình, đạt lý, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhiệm vụ của ngành Tòa án nói chung và của Tòa án tỉnh Ninh Bình nói riêng trong thời gian tới, trước yêu cầu đổi mới và công cuộc cải cách tư pháp theo đường lối đổi mới của Đảng còn rất nặng nề, do vậy cán bộ, công chức ngành TAND tỉnh rất mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện và kịp thời của TAND Tối cao, của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành, tạo mọi điều kiện giúp đỡ để ngành Tòa án tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.